CHỦ ĐỘNG NGUỒN HÀNG ĐỂ XUẤT KHẨU BẬT TĂNG SAU DỊCH COVID-19

Ngày đăng: 18/11/2020 01:35 PM

    Xuất khẩu sang Trung Quốc đang "ấm" dần

    Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), đến thời điểm này, Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, khả năng trao đổi nông sản với quốc gia này sẽ phục hồi lại vào tháng 4.2020.

    “Nhu cầu nhập khẩu nông sản sẽ tăng cao, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

    Hiện nay, ngoài các biện pháp cải cách về thủ tục hành chính, Trung Quốc cũng giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm (trong tổng số trên 800 mặt hàng) để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước.

    Để đón bắt cơ hội này, Bộ NNPTNT đã khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nguồn hàng, tăng cường chế biến sâu, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như gạo, hoa quả, thủy sản (đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra), đồ hộp chế biến… để có thể sẵn sàng xuất khẩu ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, không chỉ đối với thị trường Trung Quốc, mà còn các thị trường Châu Âu (EU), Mỹ... khi các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản.

    Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản hiện nay đang gặp một số khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

    Tuy nhiên, theo dự đoán của một số doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, đến tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 có thể hồi phục hoàn toàn 100%. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ việc bắt tay vào ổn định sản xuất cần được thực hiện.

    Đối với thị trường EU, xuất khẩu cá tra và tôm sẽ khởi sắc sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

    Theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với EVFTA, hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành, có thể nhu cầu thị trường bị giảm sút. Nhưng khi dịch bệnh đi qua thì nhu cầu có thể tăng lên nhiều, nhất là vào thời điểm EVFTA có hiệu lực thì sẽ là “cú hích” cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.

    Ngoài ra, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTP) và Hiệp định Thương EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.

    2 nhóm nông sản chủ lực cho xuất khẩu

    Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, có 2 nhóm hàng quan trọng nhất hiện nay cần quan tâm là nhóm hàng lương thực và thực phẩm. Đối với dịch COVID-19, không chỉ trong nước mà cả toàn cầu, nhu cầu lương thực, thực phẩm luôn là thiết yếu, vì vậy phải đảm bảo trong mọi hoàn cảnh cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho người dân.

    Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT năm 2020, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn tấn, trong đó ngoài gần 30 triệu tấn phục vụ nhu cầu trong nước, lượng lúa còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

    Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 vào khoảng 800.000 tấn. Trước mắt, trong tháng 4, cho phép xuất khẩu 400.000 tấn.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline